Hop Nhom

Tóm tắt phần 1 & 2

Phần 1 và phần 2 của loạt bài viết về “Hiệu ứng súng vô hình – invisible gun effect trong hoạt động quản lý” tập trung vào việc giải thích hiện tượng này và cách nó ảnh hưởng đến quản lý đội nhóm.

Trong phần 1, hiệu ứng súng vô hình được mô tả như một tình huống mà người dẫn dắt (như quản lý hoặc lãnh đạo) có thể tạo ra một không khí căng thẳng và sợ hãi, khiến cho các thành viên trong nhóm không dám phát biểu ý kiến thẳng thắn hoặc chia sẻ thông tin khách quan.

Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định và hiệu quả làm việc của nhóm. Hiệu ứng này có thể phụ thuộc vào ba yếu tố: sự an toàn về mặt tâm lý trong môi trường làm việc nhóm, văn hóa và tinh thần chia sẻ trong team, và năng lực lãnh đạo của leader.

Phần 2 tiếp tục thảo luận về “Sự an toàn về mặt tâm lý trong môi trường làm việc nhóm”. Tâm lý cảm thấy an toàn là yếu tố quan trọng để tạo ra một môi trường làm việc nhóm hiệu quả, đề cao tính hợp tác giữa người với người.

Yếu tố này là điều kiện cần thiết để mọi người cảm thấy thoải mái khi phát biểu ý kiến, chia sẻ thông tin và đóng góp giải pháp. Để tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi các thành viên cảm thấy an toàn khi đóng góp nỗ lực của mình, bạn cần giúp team liên tục thực hành các bài thực hành lành mạnh trong quá trình làm việc nhau.

Trong phần 3 này, chúng ta sẽ đi sâu vào vấn đề “Văn hóa và tinh thần chia sẻ trong team”.

- Đọc phần 1: Hiệu ứng súng vô hình – invisible gun effect trong hoạt động quản lý – phần 1
- Đọc phần 2: Hiệu ứng súng vô hình – invisible gun effect trong hoạt động quản lý – phần 2

Văn hóa và tinh thần chia sẻ trong team

Văn hóa chia sẻ trong team là một yếu tố quan trọng giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng súng vô hình. Khi mọi người trong nhóm cảm thấy thoải mái chia sẻ ý tưởng, thông tin và kiến thức của mình, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và giá trị của họ được công nhận, từ đó tinh thần chia sẻ của mọi thành viên trong team liên tục được phát triển theo thời gian làm việc cùng nhau.

Điều này không chỉ tăng cường sự hợp tác và tạo ra một môi trường làm việc tích cực, mà còn giúp cải thiện quyết định và hiệu quả làm việc của nhóm.

Cách tạo ra văn hóa chia sẻ trong team

Tạo ra các cơ hội chia sẻ

Để khuyến khích văn hóa chia sẻ, người quản lý cần tạo ra các cơ hội cho mọi người chia sẻ ý tưởng và thông tin. Điều này có thể bao gồm việc tổ chức các cuộc họp brainstorming thường xuyên, các sự kiện team building, và tạo ra các kênh giao tiếp mở.

Ví dụ, thay vì tự mình ra quyết định cho các thử thách của team, bạn hãy thử thường xuyên tạo ra các buổi team brainstorming, để tất cả mọi người có thể đưa ra ý tưởng và tìm giải pháp cùng nhau. Các buổi brainstoming này sẽ giúp hình thành văn hóa chia sẻ mạnh mẽ trong team. Lưu ý rằng, trong các buổi brainstorming này, ý kiến của tất cả mọi người cần phải được tôn trọng như nhau.

Khuyến khích sự hợp tác

Là trưởng nhóm, chúng ta luôn cần khuyến khích sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm. Chẳng hạn, khi các thành viên tìm đến bạn để hỏi xin một vài quyết định, thay vì ra quyết định cuối cùng, bạn có thể gợi ý một số mong đợi mà bạn có, rồi yêu cầu các thành viên tìm các giải pháp hợp tác cùng nhau.

Ví dụ, team bạn đang làm một chức năng về report điểm thi của sinh viên, trong đó cần vẽ các biểu đồ có liên quan. Khi này bạn UI UX designer sẽ cần đảm bảo các thiết kế vẽ ra, là các thiết kế mà các lập trình viên có thể hiện thực hóa được, sự sáng tạo trong trường hợp này bị giới hạn bởi các thư viện vẽ biểu đồ mà bên thứ ba cung cấp.

Nếu bạn designer đếm tìm bạn để xin một số quyết định về chức năng cụ thể, trong trường hợp này thì việc xin quyết định của bạn sẽ không hiệu quả bằng việc hợp tác với các thành viên làm nhiệm vụ lập trình. Theo đó, bạn nên gợi ý và khuyến khích designer và developer cùng nhau thảo luận, hai bên cùng đưa ra những góc nhìn từ thiết kế và lập trình, cùng trả lời câu hỏi của nhau và chọn ra giải pháp phù hợp nhất. Cuối cùng thì, designer và developers mới là những người cuối cùng tạo nên chức năng đó, chứ không phải là người quản lý, do đó giải pháp được tạo ra từ sự hợp tác là giải pháp hiệu quả nhất.

Trong các hoạt động hàng ngày của team, bạn với vai trò là team leader, nên khuyến khích tư duy và các hoạt động hợp tác nhiều nhất có thể.

Khuyến khích sự đa dạng

Điều này đã được nhắc đến trong phần 2 của loạt bài viết Hiệu ứng súng vô hình – invisible gun effect trong hoạt động quản lý, trong phần này, chúng ta sẽ chỉ nhắc lại về điều này, bởi nó đóng vai trò rất lớn trong văn hóa chia sẽ của đội nhóm.

Tạo ra cơ hội chia sẻ, và khuyến khích sự hợp tác sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất, khi nhóm của bạn luôn tôn trọng và đề cao sự đa dạng. Đa dạng trong ý tưởng, đa dạng trong suy nghĩ, đa dạng trong hướng tiếp cận, đa dạng trong sử dụng công cụ…tất cả sẻ đều đóng góp và văn hóa chia sẻ của team, giúp văn hóa chia sẻ trở nên phong phú hơn.

Kết thúc phần 3

Bằng cách áp dụng những nguyên tắc và phương pháp trên, bạn với vai trò là nhà quản lý có thể tạo ra một văn hóa chia sẻ trong nhóm, giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng súng vô hình, qua đó tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và hợp tác hơn.

Trong phần tiếp theo của loạt bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Năng lực lãnh đạo của leader” và cách nó ảnh hưởng đến hiệu ứng súng vô hình. Hãy đăng ký nhận thông báo các bài viết mới của PM Learning để không bỏ lỡ các phần tiếp theo của loạt bài viết này nhé.

Gửi phản hồi